Với việc làm chủ các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới như phẫu thuật nội soi can thiệp u phổi, đốt u vi sóng cho ung thư phổi, sử dụng hệ thống tim phổi nhân tạo để can thiệp khối u trung thất lớn… Việt Nam hiện nay có thể tự tin và chủ động trong các phương pháp điều trị u phổi, ung thư phổi.
TS Đinh Văn Lượng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương.
TS Đinh Văn Lượng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầy gây tử vong liên quan đến ung thư trên toàn thế giới do chẩn đoán muộn và can thiệp điều trị hạn chế. Tuy nhiên, với những tiến bộ của khoa học hiện đại ngày nay, Việt Nam đã tiếp cận và đưa vào thường quy nhiều kỹ thuật can thiệp ít xâm lấn để giúp người mắc u phổi, k phổi giai đoạn sớm ít chịu đau đớn, hồi phục nhanh sau phẫu thuật.
U phổi giai đoạn sớm sẽ được loại bỏ triệt để bằng phẫu thuật nội soi
TS Đinh Văn Lượng cho biết, trước đây, các can thiệp điều trị u phổi phải tiến hành mổ mở với đường mổ lớn, xâm lấn nhiều, khiến bệnh nhân lâu hồi phục. Tuy nhiên, với kỹ thuật phẫu thuật nội soi u phổi ít xâm lấn, người bệnh chịu đau đớn ít hơn, hồi phục nhanh hơn.
“Bệnh viện Phổi Trung ương cập nhật phẫu thuật nội soi lồng ngực điều trị ung thư phổi giai đoạn sớm với kỹ thuật hiện đại nhất trên thế giới, sánh ngang với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore… Nếu trước đây vì lo sợ, nhiều người đi nước ngoài mổ, nhưng giờ hiện tại có thể mổ tại Việt Nam”, BS Lượng cho hay.
Chia sẻ về ca mổ gần đây nhất, TS Lượng cho biết, bệnh viện mới đây tiếp nhận một bệnh nhân cao tuổi - 85 tuổi, là giáo viên về hưu, có tiền xử mổ u xơ tiền liệt tuyến cách đây 12 năm. Bệnh nhân phát hiện bệnh u phổi từ tháng 4-2018 với biểu hiện ho khan, gầy sút cân không rõ tại hai bệnh viện lớn tuyến Trung ương. Tuy nhiên vì tuổi cao, sức khỏe yếu nên bệnh viện này đã từ chối phẫu thuật cho cụ.
Cuối năm 2018, bệnh nhân nhập Bệnh viện Phổi Trung ương vì ho khan nhiều. Tại đây các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị k phế quản loại tế bào biểu mô tuyến. Nếu tiến hành mổ theo phương pháp cũ, sức khỏe bệnh nhân không thể đáp ứng.
Các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn, quyết định phẫu thuật nội soi cắt phân thùy II phổi phải do K phế quản, dù ca phẫu thuật khiến cả ê-kíp phải rất cân não trước áp lực về độ tuổi và sức khỏe của bệnh nhân. Ca phẫu thuật thành công sau 60 phút. Đến nay sau ba tháng, bệnh nhân được kiểm tra sức khỏe đều đặn, bình phục rất tốt.
TS Đinh Văn Lượng cho biết, phẫu thuật nội soi lồng ngực đã được đưa vào thường quy tại viện từ lâu nhưng ở thời điểm trước tháng 7-2018, các thiết bị stabler – cáp nối tự động trong kỹ thuật nội soi không được bảo hiểm thanh toán. Vì thế, với chi phí hàng chục triệu đồng, chỉ những bệnh nhân có điều kiện mới có điều kiện thực hiện kỹ thuật này.
“Từ tháng 7-2018, thiết bị này được BHYT thanh toán. Như vậy, những bệnh nhân nghèo, khó khăn, có BHYT đều có thể được thực hiện mổ nội soi hoàn toàn với kỹ thuật hiện đại. Vì vậy, gần đây phẫu thuật nội soi lồng ngực tăng lên rất nhiều, đặc biệt là các ca mổ ung thư phổi giai đoạn sớm”, TS Lượng nói.
Theo đó, những bệnh nhân chưa triệu chứng, nếu phát hiện sớm được mổ nội soi với kỹ thuật cao thì cơ hội sống trên 5 năm đạt tới 70-90%. Như vậy, với việc phát hiện sớm ung thư phổi, với phương pháp phẫu thuật hiện đại, tỷ lệ sống tăng lên, ngày nằm viện rút ngắn lại, thời gian sống sau mổ tăng lên rõ rệt.
Làm chủ kỹ thuật cắt khối u trung thất phức tạp sử dụng máy tim phổi nhân tạo
Nếu như trước đây, việc sử dụng máy tim phổi nhân tạo chỉ được sử dụng trong các ca mổ tim mở, thì hiện nay Bệnh viện Phổi Trung ương đang dần tiến tới làm chủ kỹ thuật này trong phẫu thuật lồng ngực. Hiện, bệnh viện đã tiến hành hai ca phẫu thuật thành công cắt khối u trung thất phức tạp sử dụng máy tim phổi nhân tạo, mở ra cơ hội cho người bệnh.
Ca phẫu thuật thứ hai vừa diễn ra thành công cho một bệnh nhân 61 tuổi, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội, được chẩn đoán có một khối u ở trung thất, trên nền bệnh nhân bị tăng huyết áp, suy tim, nhịp tim chậm, có lúc chỉ đo được 49 lần/phút. Bệnh nhân này có khối u nằm phía trên lồng ngực, xung quanh toàn mạch máu lớn, bên phải khối u đẩy tĩnh mạnh phổi, phía sau đẩy động mạch phổi, bao quanh khối u là các mạch máu. Khối u này còn đặc biệt ở chỗ, ngoài nằm ở vị trí trạc ba khí phế quản nó còn bị kẹp giữa khí quản và thực quản. Vì khối u nằm ở chính giữa hơi lệch phải, nên các bác sĩ bắt buộc phải mở xương ức để tiếp cận bộc lộ khối u.
“Nếu không chạy máy tim phổi nhân tạo thì phẫu thuật viên không dám mổ. Ca mổ rất phức tạp và nếu chảy máu ồ ạt trong lúc mổ, tỷ lệ tử vong rất cao. Chạy tim phổi máy giải quyết vấn đề an toàn cho người bệnh giống như mổ tim hở, có điều kiện để các phẫu thuật viên cắt u triệt để, giải phóng khối u, bảo đảm an toàn cho người bệnh”, TS Lượng cho hay.
Theo đó, trong quá trình chạy máy tim phổi nhân tạo, hệ thống này đã hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn thay cho bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật. Bệnh nhân được ngừng hoạt động phổi trong 80 phút. Trong khoảng hai giờ đồng hồ, các bác sĩ đã loại bỏ khối u trung thất cho người bệnh.
Với phương pháp này, trong quá trình mổ, các mạch máu lớn ở trong lồng ngực sẽ kiểm soát, chủ động được. Kỹ thuật này sẽ hỗ trợ cho các ca phải phẫu thuật lồng ngực khó như các khối u ở vị trí khó; bệnh nhân bị chít hẹp khí quản; hẹp phế quản, hẹp khí do di chứng sau lao, sau chấn thương, biến chứng của thở máy dài ngày; những người bị dị dạng đường thở do bẩm sinh hoặc bệnh lý ….
Phó Giám đốc Đinh Văn Lượng đánh giá, kỹ thuật chạy tim phổi máy nhân tạo mổ khối u trung thất lồng ngực là một tiến bộ vượt bậc của ngành phẫu thuật lồng ngực Việt Nam và đã thực hiện hai ca thành công tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Đến thời điểm này chưa có trung tâm phẫu thuật lồng ngực nào công bố về kỹ thuật này.
(Sức khỏe đời sống)