Lao là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây nên, bệnh có thể gặp ở hầu hết các bộ phận của cơ thể. Mặc dù thuốc điều trị đặc hiệu bệnh lao đã có từ hơn 50 năm, nhưng hiện nay bệnh lao vẫn còn là một trong những trở ngại lớn cho phát triển kinh tế của xã hội vì 75% người mắc lao nằm trong nhóm lao động chủ yếu của xã hội. Nguy hiểm hơn, hàng ngày trên thế giới cứ 15 giây lại có một người chết do bệnh lao, cứ mỗi một giây lại có một người mới nhiễm lao.
Ở Việt Nam, trong những năm qua, tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong do lao đã giảm nhiều nhưng vẫn còn ở mức cao. Ước tính hàng năm vẫn còn khoảng 130 000 người mới mắc lao, 180 000 người hiện mắc lao và 17 000 người tử vong do lao.
Bệnh lao được điều trị nội khoa là chính. Điều trị ngoại khoa chỉ áp dụng trong một số trường hợp, nhưng vẫn phải kết hợp điều trị thuốc chống lao. Từ khi streptomycin được đưa vào sử dụng điều trị bệnh lao, đến nay đã có hàng chục loại thuốc chống lao. Điều trị bệnh lao nhằm những mục đích: khỏi bệnh, giảm lây nhiễm trong cộng đồng, giảm tỷ lệ tử vong và giảm tỷ lệ kháng thuốc. Bệnh lao có thể được điều trị khỏi bằng thuốc chống lao nếu được phát hiện sớm,
điều trị kịp thời và đúng nguyên tắc. Nếu không phát hiện sớm, điều trị không kịp thời, và không tuân thủ nguyên tắc điều trị thì vi khuẩn lao có thể kháng lại với thuốc chống lao và người bệnh sẽ mắc lao kháng thuốc, đặc biệt là lao đa kháng và siêu đa kháng. Lao đa kháng (MDR - TB) là kháng thuốc ở bệnh nhân có vi khuẩn kháng với cả isoniazid và rifampicin. Lao siêu kháng (XDR - TB) là lao đa kháng có kháng thêm với bất cứ thuốc nào trong nhóm quinolon và kháng với ít nhất một loại thuốc dạng tiêm sử dụng trong điều trị lao đa kháng (Am, Cm hoặc Km).
Đối với bệnh nhân lao, phải điều trị nhiều thuốc cùng một lúc và thời gian điều trị kéo dài nên tác dụng không mong muốn của thuốc cũng hay xảy ra, do vậy cần phát hiện và xử trí sớm nhằm đạt an toàn và hiệu quả cao trong điều trị, góp phần giảm thiểu nguy cơ kháng thuốc lao do phải ngừng, bỏ điều trị hoặc phải thay đổi phác đồ điều trị.